Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Đã chi gần 20 tỉ đồng đền bù của Vedan

TTO

- Chiều 17-12, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tính đến
13g cùng ngày, ban chi trả đền bù của bốn xã, thị trấn đã chi trả
hơn 20 tỉ đồng cho 674 hộ dân.




Nông dân xã Phước Hòa ký nhận tiền đền bù từ Vedan - Ảnh: Đông Hà

Trong đó, thị trấn Phú Mỹ chi trả được cho 175 hộ với
số tiền 4 tỉ 337 triệu; xã Tân Phước 213 hộ với số tiền 8 tỉ 807 triệu;
Phước Hòa 202 hộ và số tiền 5 tỉ 27 triệu đồng; xã Mỹ Xuân 84 hộ với số
tiền 1 tỉ 650 triệu đồng.

Ông Cường cho biết thêm cuối ngày 16-12 đã có một số hộ
dân của xã Mỹ Xuân đến nhận tiền. Vì lý do khách quan, một số hộ dân đề
nghị ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản của họ hoặc lập thẻ ATM mới và
chuyển tiền vào đó.

Liên quan đến việc cơ quan thi hành án và thuế huyện
Tân Thành có công văn đề nghị thu tiền đối với một số hộ dân ở xã Phước
Hòa và thị trấn Phú Mỹ, ông Cường khẳng định: “Những chuyện như vậy
chúng tôi nhất định không giải quyết”!

Trước đó, sáng 16-12, việc chi trả tiền bồi thường của
Vedan cho nông dân bốn xã, thị trấn của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu đã được tiến hành. Tuy nhiên, trong khi hầu hết người dân đồng ý
nhận tiền thì một số khác chưa chịu nhận.

Đáng chú ý, có một số cơ quan nhà nước đã nhờ ban chi trả tiền đền bù đòi giùm tiền người dân còn nợ thuế và tiền thi hành án!

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Loay hoay tìm phương án chia tiền bồi thường của Vedan

Khoảng 3 tháng sau khi 50% số tiền bồi thường của Vedan được chuyển vào tài khoản của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, vẫn chưa người dân nào được nhận tiền vì địa phương chưa thống nhất cách chi trả.
> TP HCM sẽ chia tiền Vedan cho nông dân theo tỷ lệ thiệt hại/ Đồng Nai ngày càng rối trong vụ Vedan
Công ty bột ngọt Vedan bị phát hiện thải thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải tháng 9/2008. Sau gần 2 năm, đơn vị này nhiều lần cù cưa trong việc bồi thường thiệt hại cho nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ đến khi nông dân đồng loạt nộp đơn lên tòa án kiện công ty này, cùng với động thái các siêu thị đồng loạt tẩy chay sản phẩm, Vedan mới tỏ rõ thiện chí bằng cách bồi thường 100%.

Đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm nay, Vedan đã chuyển 50% tiền bồi thường cho 3 tỉnh. Cụ thể, Đồng Nai nhận 120 tỷ đồng, TP HCM gần 23 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 26,8 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, chưa người dân nào được nhận tiền do các địa phương vẫn đang tìm phương án chi trả.


Khoảng 3 tháng sau khi đã nhận được tiền từ Vedan, các địa phương vẫn đang loay hoay tìm phương án chi trả cho người dân. Ảnh: Kiên Cường

Trao đổi với VnExpress.net, ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết cơ bản sẽ chi trả cho nông dân theo hình thức áp giá dựa vào diện tích, số năm thiệt hại do ngành nông nghiệp xác định. Có khoảng 5.000 hộ nông dân tại tỉnh này bị thiệt hại (theo thống kê lúc Vedan ký cam kết bồi thường với Đồng Nai).

"Sau khi có mức cụ thể, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến người dân qua cách để người láng giềng trong khu vực giám sát và bình bầu lẫn nhau về con số thiệt hại của từng hộ. Theo kế hoạch có thể đến giữa tháng 12, sẽ tiến hành việc áp giá này", ông Thinh nói.

Với nông dân huyện Cần Giờ TP HCM, đến nay việc chi trả chậm là do phát sinh nhiều đơn ở ngoài vùng ô nhiễm đã được Viện Môi trường Tài nguyên xác định.

Hôm qua, Hội nông dân TP HCM đã đến huyện Cần Giờ để triển khai các kế hoạch chi trả cho người dân. Hiện, tất cả thống nhất chỉ có 839 hộ dân đã được xác định từ trước đến nay là thuộc diện được nhận tiền bồi thường của Vedan.



Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện pháp lý cho nông dân khẳng định tiền sẽ được chuyển đến người dân trước tết dương lịch.

Đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho biết đến thứ tư 8/12, các bên sẽ họp bàn triển khai kế hoạch trả tiền bồi thường cho 1.255 hộ nông dân bị ảnh hưởng trong vụ Vedan.

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Vedan ký cam kết bồi thừơng đầu tiên cho Nông dân Bà riạ-Vũng tàu

Chiều 13/8, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Công ty Vedan Việt Nam đã ký cam kết bồi thường 53,6 tỷ đồng cho 1.255 hộ nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
> Vedan chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân
Như vậy, Bà Rịa- Vũng Tàu đã trở thành địa phương đầu tiên Vedan cam kết bồi thường, trước TP HCM và Đồng Nai.
Theo bản cam kết, Vedan đồng ý bồi thường 53,6 tỷ đồng cho 1.255 hộ dân bị thiệt hại do việc Vedan xả thải ở tỉnh này. Ngoài ra, công ty còn đồng ý thanh toán cho UBND tỉnh 500 triệu đồng chi phí điều tra, xác minh thiệt hại.
Tổng giám đốc Vedan (ngoài cùng bên phải) ký cam kết. Ảnh: Văn Thanh.
Đại diện cho Vedan ký cam kết là ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan và ông Yeh Shean Yeh (Diep) – Giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc. Đại diện cho 1.255 hộ dân là luật sư Nguyễn Thành Ngọc (Đoàn Luật sư tỉnh) và đại diện UBND tỉnh là ông Trần Văn Cường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các bên thống nhất, Vedan chi trả tiền bồi thường thành hai đợt. Đợt 1 chậm nhất 7 ngày kể từ khi ký cam kết, với 50% số tiền bồi thường cho nông dân và 500 triệu đồng cho tỉnh. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của UBND huyện Tân Thành. Đợt 2 sẽ được Vedan chi trả chậm nhất vào ngày 14/1/2011 vào tài khoản của Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh. Số tiền trả đợt 2 của Vedan sẽ được Ngân hàng Bangkok, chi nhánh TP HCM bảo lãnh. Chứng thư bảo lãnh cũng được gửi cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chậm nhất 7 ngày kể từ ngày ký cam kết.
Trước khi ký cam kết với Vedan, đại diện UBND tỉnh đã gặp gỡ với bà con nông dân để thống nhất phương án nhận tiền bồi thường. Theo đó, việc nhận tiền bồi thường sẽ được chia làm nhiều đợt theo danh sách và bảo đảm chặt chẽ, không để thất thoát và cấm không thu các khoản phí của nông dân từ số tiền bồi thường.
"Chúng tôi học được nhiều bài học kinh nghiệm từ vụ này. Chiều nay sẽ ký cam kết với TP HCM và tuần sau sẽ ký với Đồng Nai. Chúng tôi cũng mong muốn nông dân sớm nhận được tiền", Tổng giám đốc Vedan nói ngắn gọn với báo chí.

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Vedan chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân

Bốn ngày sau khi siêu thị tẩy chay sản phẩm của Vedan cùng với việc nông dân lần lượt nộp đơn lên toà án, công ty này đã chấp nhận bồi thường 100% cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Vedan cũng sẽ có động thái tương tự khi tỉnh Đồng Nai chốt con số thiệt hại cuối cùng.
> Siêu thị tẩy chay sản phẩm của Vedan
Công ty bột ngọt Vedan Việt Nam - thủ phạm chính "giết" sông Thị Vải khi xả thẳng chất độc hại ra dòng sông này vào tháng 9/2008. Vụ đầu độc môi trường gây ra bức xúc lớn trong dư luận trong 2 năm gần đây, trong khi đó công ty này vẫn cò kè bớt 1 thêm 2 trong việc hỗ trợ người dân.
Khi gần hết thời hiệu khởi kiện (2 năm sau sự việc xảy ra), nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt nộp đơn lên tòa án kiện công ty này, tương tự, siêu thị cũng tỏ thái độ phản đối bằng cách tẩy chay sản phẩm của Vedan. Trước những động thái cứng rắn của người dân bị thiệt hại và dư luận, Vedan đã xin họp khẩn với Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện 3 tỉnh tại UBND TP HCM chiều 10/8.
Ngay sau cuộc họp kín, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức họp báo. "Sau khi thảo luận, Vedan đồng ý bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) 100% theo tính toán của Viện Môi trường cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai thông báo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai (giữa) cho biết Vedan đồng ý bồi thường 100% cho nông dân. Ảnh: Kiên Cường.
Cụ thể, nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được bồi thường thiệt hại con số 53,6 tỷ đồng (trước đó Vedan chỉ đồng ý mức 40 tỷ), TP HCM là 45,7 tỷ đồng (lần gần nhất Vedan đồng ý 30 tỷ đồng). Riêng với tỉnh Đồng Nai, do tỉnh này chưa đưa ra con số thiệt hại cuối cùng, vào khoảng 119 tỷ đồng (trước đây Vedan chỉ đồng ý 70 tỷ) nên 13/8 tới, Vedan sẽ ngồi lại với Đồng Nai để thống nhất.
"Với 2 tỉnh thành, Vedan đã đồng ý bồi thường toàn bộ thì Đồng Nai cũng sẽ tương tự với mức do Viện đưa ra. Thái độ trên cho thấy đơn vị này đã nhận rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc", ông Lai khẳng định.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Vedan bồi thường cho nông dân bị thiệt hại thành 2 lần, cụ thể như thế nào sẽ được giải quyết trong thời gian tới. "Tất nhiên việc ngã giá tiền hỗ trợ cho nông dân trước đây là chưa tỏ rõ thiện chí nhưng quan điểm của nhà nước là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, "đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại"", ông Lai nói.
Ngay lập tức, thông tin về việc Vedan đồng ý bồi thường nhanh chóng đến với các địa phương. "Ngay sáng mai chúng tôi sẽ cùng Vedan làm biên bản xác nhận và các thủ tục tiếp theo. Tất nhiên việc khởi kiện cũng sẽ dừng lại", luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện cho nông dân Cần Giờ TP HCM trao đổi với VnExpress.net.
Tương tự, ông Trần Văn Cường, Trưởng ban thống kê thiệt hại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vui mừng cho biết công việc đầu tiên là thông báo đến bà con nông dân. Sau đó, các bước tiếp theo như làm việc với luật sư, Vedan, có rút đơn kiện đã nộp hay không sẽ được tiếp tục thực hiện.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Nông dân Cần giờ kiện Vedan ra toà!

Trong buổi thương lượng cuối cùng sáng nay, Vedan đưa ra mức hỗ trợ 16 tỷ đồng, thấp hơn nhiều số thiệt hại thực tế 107 tỷ đồng của nông dân huyện Cần Giờ. Hội nông dân TP HCM quyết định sẽ nộp đơn kiện công ty này lên tòa án vào cuối tháng 7.
> Vedan xin thêm cơ hội cuối để thương lượng với nông dân
“Chúng tôi không mong muốn điều này”, “Bao nhiêu cuộc họp chỉ đổ sông đổ biển”, “Sẽ gặp nhau tại tòa”… tiếng thở dài ngao ngán, thất vọng được các đại diện nông dân TP HCM thốt lên.
“Ban đầu Vedan đồng ý mức 7 tỷ đồng, trong đó chỉ chịu hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng, số tiền còn lại công ty này nói là để giữ mối quan hệ với địa phương, cuộc họp ngày 20/7 nâng lên thành hơn 12 tỷ đồng, hôm nay thêm 4 tỷ. Tôi thấy đây là mặc cả chứ không thể hiện tinh thần trách nhiệm. Chúng tôi quyết định tập hợp đơn, chứng từ để nộp lên tòa, mọi tranh cãi sẽ giải quyết tại tòa”, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP HCM tuyên bố.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện TP HCM cho biết: “Những việc này buộc chúng tôi phải hành xử theo pháp luật, chúng tôi sẽ khởi kiện Vedan ra tòa, con số đưa lên tòa án yêu cầu công ty này bồi thường là 107 tỷ đồng (chứ không phải 45,7 tỷ đồng như đề nghị của Viện Môi trường)”.
Theo luật sư Hậu, còn những tài liệu chứng minh rất rõ thiệt hại của người dân do Vedan gây ra chưa được công bố, và đây sẽ là những bằng chứng tại tòa. Vị luật sư này khẳng định rất tự tin vào khả năng đòi được công bằng cho nông dân TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP HCM cho biết sẽ kiện Vedan ra toà vào cuối tháng này. Ảnh: Kiên Cường
Tại cuộc họp, Vedan bắt đầu phần phát biểu bằng những chứng minh thiệt hại do phía mình tính toán. Dựa vào những số liệu mật độ đánh bắt cá ở sông Hồng là 5,2 tấn, sông Mekong là gần 5 tấn trên một km2, Vedan cho rằng mức 77 tấn cá trên một km2 của sông Thị Vải mà huyện Cần Giờ đưa ra là vô lý.
Công ty này yêu cầu xem xét lại diện tích vùng ảnh hưởng dù điều này đã được Viện Môi trường Tài nguyên chứng minh là hơn 21.000 ha trong suốt 2 năm qua.
“Dựa vào những tính toán của mình, chúng tôi chỉ có thể thương lượng trong mức 15-16 tỷ đồng, tối đa là 20 tỷ đồng”, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan Việt Nam khẳng định.
Lập tức, ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đứng dậy phản bác lập luận của Vedan: “Đề nghị Vedan nghiên cứu số liệu sản lượng đánh bắt ở Cần Giờ trong 5 năm gần đây vì đó là số liệu pháp lý đã được Tỗng cục thống kê công nhận"
Ngoài ra, theo ông Sơn, từ 2007 đến 2010, 2 năm đầu nằm trong thời gian Vedan xả thải trực tiếp vào sông Thị Vải và 2 năm ngưng xả, trung bình người dân đánh bắt 4.000 tấn một năm. Nếu theo cách tính của Vedan thì mật độ đánh bắt ít nhất cũng trên 30 tấn một km2 chứ không phải mức như sông Hồng hay Mekong”.
Khi cuộc tranh cãi dần đi đến lối mòn như những lần trước, ông Phụng đứng lên yêu cầu Vedan phải đưa ra con số cuối cùng. Phía công ty này yêu cầu được hội ý nội bộ.
20 phút sau cả phòng họp im lặng lắng nghe tuyên bố của Vedan: 16 tỷ đồng và 1 tuần nữa sẽ báo cáo với UBND TP HCM.
“Chúng ta sẽ gặp nhau tại tòa án huyện Cần Giờ”, ông Phụng nói chắc sau tuyên bố trên.
Trả lời về quyết định của Hội nông dân tỉnh Đồng Nai khi không khởi kiện mà thương lượng với Vedan, ông Trần Văn Làm, Ủy viên ban thường vụ Hội nông dân Việt Nam, phụ trách 19 tỉnh phía Nam cho rằng Hội nông dân Đồng Nai làm việc theo chỉ đạo của tỉnh.
“Công việc của Hội nông dân Đồng Nai rất chậm chạp, Ủy ban cũng chưa kiểm tra đôn đốc, trách nhiệm đối với nông dân thuộc về chính quyền của UBND tỉnh Đồng Nai”, ông Làm phân tích. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến ngày 25/7 sẽ đưa đơn ra tòa
Công ty bột ngọt Vean bị phát hiện xả thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải vào tháng 9/2008, cho đến nay chưa bồi thường gì cho người dân bị ảnh hưởng.
Hoaminhduc

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Bộ Tài nguyên - môi trường họp bàn khởi kiện Vedan, nông dân huyện Cần Giờ nộp đơn khởi kiện

- Theo công văn được Bộ Tài nguyên - môi trường gửi ngày 26-7 thì lúc 8g30 ngày 28-7, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ tổ chức cuộc họp do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chủ trì. Nội dung cuộc họp bàn về việc khởi kiện Công ty Vedan ra tòa. Thành phần tham dự cuộc họp gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, trung ương Hội Nông dân VN và UBND các tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.
Chiều 26-7, lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết nội dung cuộc họp sẽ không bàn đến các số liệu, thống kê khoa học xung quanh vụ việc này mà chủ yếu bàn về góc độ pháp lý.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trước đó cũng khẳng định quan điểm của bộ là Vedan phải đền bù cho người dân. Theo ông Nguyên, khi giải quyết theo hướng đàm phán thỏa thuận không được, quan điểm của bộ ủng hộ việc khởi kiện Vedan ra tòa. Riêng trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường, ông Nguyên khẳng định: “Bộ sẽ đứng về phía người dân đến cùng, chừng nào Vedan chưa đền bù xong cho người dân thì chúng tôi chưa hết trách nhiệm”.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Cường - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan - cho biết hiện 1.255 hộ nông dân đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Vedan ra tòa. Sẽ có 44 luật sư được người dân ủy quyền tham gia tố tụng. Theo đó, ngày 27-7, ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan sẽ cùng Đoàn luật sư tỉnh họp lần cuối để rà soát toàn bộ 1.255 hồ sơ của các hộ dân. Sau buổi họp này, 1.255 hồ sơ khởi kiện sẽ được chuyển sang TAND huyện Tân Thành xem xét thụ lý.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - một trong bốn người đại diện theo ủy quyền của nông dân Cần Giờ, TP.HCM - cho biết ngày 29-7 đơn khởi kiện của người dân bị thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải sẽ được nộp lên TAND huyện Cần Giờ.
Ông Hậu cho biết hiện đơn khởi kiện, giấy ủy quyền cho người đại diện và hồ sơ kê khai, xác nhận thiệt hại cơ bản đã hoàn tất nên chỉ còn rà soát lần cuối để bảo đảm không có sai sót. “Chúng tôi cố gắng tiến hành thủ tục khởi kiện trong thời gian sớm nhất, không đợi đến lúc gần hết thời hiệu và càng không chờ đợi việc Vedan có đổi ý, chấp nhận bồi thường hơn 45,7 tỉ đồng như yêu cầu của UBND TP hay không” - ông Hậu nói.

  - Vedan trả giá 30 tỉ đồng với dân Đồng Nai
Ngày 26-7, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa nhận được thông báo của luật sư đại diện cho Vedan cho hay tổng giám đốc Vedan đã đồng ý và xin đề nghị nâng mức “hỗ trợ” nông dân Đồng Nai từ 15 tỉ lên 30 tỉ đồng.




Cuộc sống của nông dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) ngày càng khó khăn từ khi Vedan xả thải ra sông Thị Vải làm ô nhiễm môi trường. Giờ đây họ chỉ còn biết trông chờ vào sự phán xét công minh của tòa án - Ảnh: Minh Đức



Nông dân Hoàng Văn Tứ (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) bức xúc khi Hội Nông dân Đồng Nai đặt ra việc thương lượng và nhận tiền hỗ trợ của Vedan - Ảnh: HÀ MI
Và mức giá này nằm trong trường hợp nhất trí phương án hỗ trợ thiệt hại. Thông báo này cũng nêu “kính mong nhận được sự phúc đáp của quý cơ quan nhằm giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng”. Đây là lần thứ tư Vedan nâng mức hỗ trợ sau khi ba lần đưa ra mức 3 tỉ, 7 tỉ và 15 tỉ đồng.
Cùng ngày, ông Trần Văn Quang - phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - đã có tờ trình gửi thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về yêu cầu của Vedan nâng mức hỗ trợ 30 tỉ đồng. Hội cho hay hiện chưa thể trả lời gì thêm và chờ Tỉnh ủy chỉ đạo.
Vedan sợ bị thiệt
Ông Nguyễn Văn Ngẫu, chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, cho biết: “Dứt khoát nông dân không đồng ý 30 tỉ. Đây là lần thứ tư Vedan đưa ra mức hỗ trợ và kéo dài thời gian. Lần thứ ba họ đã đưa ra 15 tỉ để hỗ trợ cho bốn xã bị thiệt hại do ô nhiễm nhưng có một số hộ dân không hiểu cứ tưởng 15 tỉ là hỗ trợ cho một xã. Vì vậy sau khi họp các ngành lãnh đạo huyện Long Thành vừa đề nghị căn cứ theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai phải đòi Vedan bồi thường cho nông dân gần 120 tỉ”.
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vì sao phải nâng mức hỗ trợ lắt nhắt nhiều lần và bây giờ hứa hỗ trợ 30 tỉ đồng, luật sư Hoàng Như Vĩnh - đại diện pháp lý của Vedan - giải thích: “Bây giờ chúng tôi quá mệt mỏi nên muốn giải quyết vụ việc cho dứt điểm. Nếu kéo dài sẽ không có lợi cho tất cả và cũng sẽ thiệt hại cho Vedan. Mức 30 tỉ là con số chúng tôi đưa ra sau khi người dân ở vùng thiệt hại có ý kiến với Hội Nông dân Đồng Nai”.
Về việc sắp tới có nông dân không chịu hỗ trợ mà kiện Vedan, luật sư Vĩnh nói trở thành bị đơn là điều mà Vedan hoàn toàn không muốn. Nhưng dân kiện, Vedan trở thành bị đơn thì lúc ấy sẽ xem xét. Trong khi đó, một luật sư ở Đồng Nai nhận định “mức 30 tỉ đưa ra có thể là chiêu tiếp tục cù cưa của Vedan nhằm kéo dài cho hết thời hiệu khởi kiện”.
Coi chừng Nhà nước và nông dân không kiện được
Bàn câu chuyện Vedan nâng mức hỗ trợ lên 30 tỉ đồng cho nông dân Đồng Nai, TS Nguyễn Vân Nam - người giúp nông dân Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) kiện Vedan ra tòa - cảnh báo: “Với thỏa thuận này có thể Vedan tìm cách loại bỏ toàn bộ quyền lợi pháp lý của các bên liên quan như Nhà nước và những người dân bị thiệt hại khiến Nhà nước và nông dân bị thiệt hại không kiện được là vô cùng nguy hiểm. Phải lường trước việc thỏa thuận mà Vedan trả tiền lắt nhắt thì cũng không làm gì được. Hơn thế ai sẽ đứng ra ký thỏa thuận hỗ trợ vì Hội Nông dân không được người bị thiệt hại ủy quyền”.
Theo TS Nam, cơ hội thỏa thuận của Vedan còn rất lớn vì sẽ có cơ hội thỏa thuận trong quá trình hòa giải trước tòa. Vấn đề ở đây là Nhà nước và người dân bị thiệt hại phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện sắp hết”.
Hiện Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai xác nhận “Vedan chính thức ký biên bản sai phạm do thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường lập vào ngày 19-9-2008”. Tuy nhiên, hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau về thời hiệu khởi kiện dựa vào ngày đại diện Vedan ký vào biên bản vi phạm thừa nhận sai phạm hay biên bản của Vedan thừa nhận mình gây thiệt hại và chấp nhận hỗ trợ 15 tỉ đồng trước đó.
TS Nam khẳng định phải lấy ngày mà thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường lập biên bản vi phạm hành chính để xác định thời hiệu khởi kiện. Vì với biên bản được lập đó người dân biết được rằng Vedan đã xâm phạm quyền lợi của họ. Như vậy ngày cuối cùng hết thời hiệu khởi kiện là 19-9-2010.
Gấp rút, “không khoan nhượng, thỏa hiệp”
Trong ngày 26-7, ông Ao Văn Thinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đã ký công văn hỏa tốc gửi Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, TAND tỉnh, giám đốc Sở TN-MT, chủ tịch UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch yêu cầu hướng dẫn người dân hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đòi Vedan bồi thường thiệt hại. Công văn nhấn mạnh phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân bị thiệt hại. Tỉnh không khoan nhượng, không thỏa hiệp trước những hành vi cố ý, làm trái, gây thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó. Trường hợp gây thiệt hại nặng cho người dân thì phải bồi thường, trường hợp gây ảnh hưởng đến đâu thì phải hỗ trợ đến đó.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Hội Luật gia, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai thành lập tổ công tác tại hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch để hướng dẫn người dân lập hồ sơ, chứng cứ liên quan để yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. Đối với những người dân lựa chọn hình thức khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường thiệt hại, giao Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục khởi kiện.
Trường hợp người dân lựa chọn hình thức thương lượng, giao Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan, đồng thời làm đại diện cho người dân nếu được người dân ủy quyền để tiến hành thương lượng, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại...
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đồng ý cho tạm ứng từ nguồn kinh phí quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai làm kinh phí cho tổ công tác. Riêng kinh phí thực hiện lập hồ sơ khiếu kiện, đề nghị TAND tỉnh xem xét việc miễn, giảm án phí đối với những hộ dân thuộc diện khó khăn theo quy định.
HÀ MI

TP HCM hỗ trợ tiền án phí để nông dân kiện Vedan

Nếu muốn đưa Công ty Vedan - thủ phạm chính “giết” sông Thị Vải ra tòa, nông dân huyện Cần Giờ phải đóng tạm ứng án phí khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ được Hội nông dân TP HCM hỗ trợ một nửa.
> Thiếu tiền đóng án phí, nông dân hủy khởi kiện Vedan
Một ngày sau khi nông dân tỉnh Đồng Nai hủy kiện Vedan vì những khó khăn về chứng cứ và án phí, nông dân huyện Cần Giờ thuộc TP HCM tiếp tục củng cố bằng chứng để đưa công ty này ra tòa.
“Có 893 hộ nông dân bị ảnh hưởng, số tiền thiệt hại do họ tính toán khoảng 107 tỷ đồng, Viện Môi trường xác định con số này chỉ khoảng 45,7 tỷ đồng. Theo luật sư của chúng tôi, với thiệt hại 45,7 tỷ đồng, án phí sẽ ở mức khoảng 200 triệu”, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịnh Hội nông dân TP HCM cho biết.
Vedan được cho là thủ phạm chính giết sông Thị Vải. Ảnh: K.C.
Theo ông Phụng, với khoản tiền lớn như thế này, nông dân sẽ khó khăn trong việc đem đơn đi kiện nên hội quyết định hỗ trợ 50%. Tuy nhiên không phải hộ nông dân nào đi kiện cũng được Hội giúp đỡ. Nếu hộ trong diện xóa đói giảm nghèo thì hội nông dân hỗ trợ toàn bộ, gia đình khó khăn được giúp 50%, còn lại phải tự lo tiền án phí cho mình.
“Chậm nhất cuối tháng 7, mọi thủ tục, hồ sơ phải xong. Dự kiến tuần sau UBND TP HCM sẽ có buổi làm việc cuối cùng với Vedan, nếu không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường, chắc chắn sẽ phải đưa nhau ra tòa”, ông Phụng nói.
Với những khó khăn về việc thu thập chứng cứ, tiền án phí, ngày 8/7, nông dân tỉnh Đồng Nai đã hủy kiện Vedan và yêu cầu hỗ trợ. Cụ thể, chính quyền xã Phước An thương lượng yêu cầu Vedan hỗ trợ 25 tỷ đồng, xã Long Thọ đề nghị mức 25-30 tỷ đồng, xã Phước Thái đưa ra mức 20 tỷ đồng.
Trong diễn biến khác, nông dân tỉnh Vũng Tàu vừa nâng số tiền yêu cầu bồi thường lên 220 tỷ đồng, thay vì 53 tỷ đồng như trước.
Gần hai năm trước, tháng 9/2008, Công ty bột ngọt Vedan bị phát hiện xả thải thẳng chất độc hại ra sông Thị Vải. Sự việc này gây bức xúc lớn trong dư luận. Từ đó đến nay, công ty này vẫn chưa bồi thường bất cứ khoản nào cho nông dân sống ở dọc sông Thị Vải, kéo dài qua 3 tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010